Khó khăn trong tiếp cận
Với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai và là ngôn ngữ thứ ba cần học. Mặc dù biết thêm một thứ tiếng là các em có thêm “chìa khóa” để mở cánh cửa tương lai thế nhưng do điều kiện tiếp cận hạn chế, lại nhiều trở ngại trong việc học nên “ngôn ngữ thứ ba” khiến nhiều em học sinh e dè.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Lâm Bình sôi nổi hoạt động nhóm trong giờ học tiếng Anh.
Cô giáo Hà Thị Ly Thùy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Lâm Bình chia sẻ, trường hiện có 12 lớp với 401 em học sinh, trong đó 95% các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù luôn khuyến khích các em nỗ lực học thế nhưng tiếng Anh vẫn là bộ môn khó với đại đa số các em học sinh. Đặc biệt, các em không có môi trường để giao tiếp khiến những kiến thức được học trở nên khô khan, khó áp dụng vào thực tế. Đặc thù của trường nội trú là các em không được sử dụng điện thoại di động cũng như các phương tiện liên lạc cá nhân nên việc tiếp cận với công nghệ thông tin, học trên mạng Internet cũng rất hạn chế. Đây là trở ngại trong việc học tập và rèn luyện bộ môn tiếng Anh.
Trong khi các em học sinh trên địa bàn thành phố có thể học và thi để có thêm các chứng chỉ tiếng Anh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì đối với các em học sinh trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa điều kiện học thêm bên ngoài gần như bằng 0. Em Lý Thị Như Ngọc, dân tộc Dao, lớp 12C4, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên) ngậm ngùi cho biết, trong khi nhiều bạn học sinh có điều kiện tham gia xét tuyển bằng thi đánh giá năng lực, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ thì chúng em chỉ có thể cố gắng ôn luyện, học đều tất cả các môn và nỗ lực tối đa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo em, việc học ngoại ngữ hạn chế một phần do chúng em không được tiếp cận phương pháp học mới ngoài nhà trường như học trực tuyến, học tại các trung tâm, không có kinh phí để ôn luyện…
Nỗ lực tìm giải pháp
Thực hiện đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, tiếng Anh và Tin học là những môn học bắt buộc trong trường học. Để đưa môn ngoại ngữ đến gần hơn với các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều giáo viên đã có cách làm hay, sáng tạo, góp phần rút ngắn khoảng cách, khơi dậy tình yêu với bộ môn tiếng Anh cho các em học sinh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy bộ môn tiếng Anh tại Trường THCS Bình Xa (Hàm Yên).
Cô giáo Lê Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Xa (Hàm Yên) cho biết, nhà trường có 468 em học sinh, trong đó gần 50% các em là con em đồng bào dân tộc Tày, Dao, Hoa. Xác định tiếng Anh là bộ môn có ứng dụng cao trong cuộc sống hàng ngày nên các giáo viên bộ môn tiếng Anh luôn tạo điều kiện vừa dạy kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, vừa bổ trợ thêm cho các em. Đặc biệt, các em luôn được tạo không khí học tập, vui tươi, khơi dậy khả năng tìm tòi, khám phá, học tập như học qua màn hình thông minh, lựa chọn chủ đề yêu thích để thuyết trình, học tiếng Anh qua các bài hát, câu chuyện… Dần dần, tiếng Anh từ một bộ môn khiến nhiều em học sinh e dè đã trở nên thân thuộc, gần gũi hơn.
Các em học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận đa dạng với ngoại ngữ như các em ở thành thị. Với đại đa số các em, tiếng Anh là bộ môn rất mới bởi vậy trước khi dạy học mỗi giáo viên vùng cao lại cần giới thiệu, giúp các em làm quen, tiếp cận một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ (Hà Nội) năm 2013, đến nay cô Nguyễn Thị Lụa, giáo viên bộ môn tiếng Anh, Trường Tiểu học Tri Phú (Chiêm Hóa) đã có hơn 11 năm gắn bó với học sinh vùng cao. “Những ngày đầu không có máy chiếu cũng chẳng có tivi thì mình dạy các em qua tranh ảnh, đồ dùng thực tế, linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ hình thể. Các em bắt đầu học từ những từ ngữ đơn giản nhất, kết hợp vừa học, vừa chơi… Dần dần thứ ngôn ngữ lạ lẫm cũng trở nên quen thuộc hơn với các em ở bản làng” - cô Lụa chia sẻ.
Cùng với việc thường xuyên đổi mới phương pháp dạy, nhiều trường học vùng cao đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tích cực ứng dụng phương pháp giảng dạy trực quan trong bộ môn tiếng Anh. Các em học sinh còn được tham gia các Câu lạc bộ tiếng Anh, luyện tiếng Anh trong các hoạt động ngoại khóa, khuyến khích giao tiếp bằng tiếng anh trong các hoạt động hàng ngày... Những em có năng khiếu được phát hiện, quan tâm, bồi dưỡng tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh. Dần dần, những giờ học ngoại ngữ “thấm dần” và trở nên hứng khởi, hấp dẫn hơn với học sinh vùng cao, các em cũng dần chủ động, say mê hơn với bộ môn này.
Trên con đường dài đến với bến bờ tri thức, bộ môn tiếng Anh cũng là khởi nguồn cho những ước mơ tươi sáng đối với các em vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dẫu biết còn nhiều gian nan, thế nhưng sự tận tụy, hết lòng của mỗi giáo viên đã trở thành cầu nối gắn kết bộ môn tiếng Anh với thế hệ tương lai của đất nước.
Không để học sinh học lệch
Đồng chí Nguyễn Hải Chung
Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Xuân Huy (Yên Sơn)
Trường THPT Xuân Huy luôn coi các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông như nhau. Với chuyên môn, nhà trường và các thầy cô giáo đều bố trí thời gian hợp lý để học nâng cao, nhưng không cắt xén chương trình các môn học khác, luôn thực hiện đúng chương trình theo quy định. Quan điểm của trường môn học nào cũng có lợi ích, thầy cô giáo nào cũng được tôn trọng. Vậy sẽ không có căn cứ nào đặt ra phân loại môn học chính hay môn phụ. Việc bỏ tuyển thẳng IETLS vào lớp 10 cũng là cách để giúp học sinh không học lệch, không coi nhẹ các môn học khác. Cùng với đó, trường yêu cầu các bậc phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường để định hướng cho con cái học đều các môn học. Bản thân các em học sinh có thể học và dành nhiều thời gian hơn cho các môn học yêu thích nhưng vẫn luôn cân bằng giữa các môn học, tham gia hoạt động xã hội để trở thành một con người toàn diện phát triển cả đức, trí, thể, mỹ.
Học ngoại ngữ phải là nhu cầu tự thân
Thầy giáo Nguyễn Công Huy
Giáo viên tiếng Anh, trường THCS Đại Phú (Sơn Dương)
Ngoại ngữ là công cụ để kết nối mọi người, để tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Do đó, việc tăng cường công tác đào tạo ngoại ngữ sao cho đảm bảo chất lượng là một trong những yêu cầu tất yếu được đặt ra. Chỉ cần làm phép so sánh giữa các học sinh có chứng chỉ IELTS nhiều chấm và những ưu tiên trong tuyển sinh và học ở cấp đại học là thấy sự cần thiết của học ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ không chỉ ngày một, ngày hai là thông thạo mà nó là cả một quá trình rèn luyện lâu dài. Một khi có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ, người học sẽ đầu tư. Vì vậy, việc học ngoại ngữ phải như một nhu cầu tự thân của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cần đổi mới về phương pháp giảng dạy để tạo nguồn cảm hứng cho học sinh. Trao quyền cho người học để họ giữ vai trò tích cực hơn trong quá trình học tập và giúp thúc đẩy sự tự chủ của họ. Dù học vì lý do gì, chỉ cần hăng say và biết cách học tự thân, các bạn trẻ sẽ trưởng thành và phát triển khả năng của mình tốt hơn, đồng thời nhân đôi cơ hội việc làm trong tương lai.
Cần công bằng trong tuyển sinh
Chị Hoàng Thu Huyền
Phường Tân Quang, TP Tuyên Quang
Là một phụ huynh có con sắp tới sẽ vào THPT, tôi thấy việc tuyển thẳng các học sinh có IELTS vào lớp 10 là chưa công bằng, khiến cho nhiều học sinh khác mất cơ hội. Nhất là với các học sinh mà gia đình kinh tế khó khăn không có điều kiện để đi học IELTS, hoặc các cháu có kết quả học các môn học khác rất tốt nhưng riêng môn tiếng Anh lại yếu hơn. Việc tuyển thẳng học sinh vào lớp 10 khi có IELTS có thể khiến nhiều gia đình có tâm lý chạy đua có chứng chỉ IELTS để được ưu tiên trong tuyển sinh hoặc dễ dẫn đến việc học lệch, tiêu cực trong thi IELTS. Do vậy, rất mong tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh vào lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là quy định về tuyển thẳng và cộng điểm ưu tiên.
Quan trọng là thực hành hàng ngày
Em Triệu Quang Sáng
Lớp 11B8, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên)
Tiếng Anh là một môn học khá khó vì em không vững căn bản và ngữ pháp, cũng không có điều kiện về thành phố học tại các trung tâm. Chính vì vậy em chỉ có thể học qua các tiết học ở trường hoặc qua các bài giảng online trên Facebook, Youtube. Em cũng được biết nhiều bạn ở vùng cao chuyên làm du lịch như ở Sa Pa, Mù Cang Chải, Đồng Văn các bạn nói tiếng Anh khá tốt dù không biết đọc và biết ngữ pháp, em cho rằng mình có thể học theo phương pháp này, biến tiếng Anh thành ngôn ngữ giao tiếp đơn thuần, phục vụ cuộc sống chứ không chỉ vì điểm số. Em mong khi ở trường các thầy cô sẽ tạo điều kiện để em được trò chuyện, trao đổi bằng tiếng Anh hoặc được học hát, xem các bộ phim nước ngoài. Việc học tiếng Anh cũng từ đó trở nên nhẹ nhàng, đỡ áp lực hơn, giúp em và các bạn có thể thực sự trò chuyện, giao tiếp được với người nước ngoài.
Gửi phản hồi
In bài viết